Tĩnh Tâm có dịp ghé thăm ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng này, theo nhiều người, đang là mái nhà chung của vô số những vong hồn bé nhỏ từ khắp nơi quây quần về đây trong an lạc.
Từ năm 2008, chùa Từ Quang đã khởi tâm Bồ Đề để cho linh hồn các bé bị cha mẹ từ chối quyền làm người nương náu. Người ta bảo, linh hồn non trẻ của các bé rất thanh cao và mạnh mẽ, vì thế, đã tạo ra nhiều câu chuyện hết sức kỳ lạ.
Chùa Từ Quang tọa lạc ở đâu?
Chùa Từ Quang tọa lạc tại số B1/7, Quốc lộ 1A, ấp 2, xã Tân Kiên, H.Bình Chánh, TP.HCM, chùa Từ Quang có đại lễ cầu siêu cho các sinh linh bị chối bỏ vào rằm tháng tám hàng năm. Nó là nơi những người trót vứt bỏ mạng sống của các thai nhi đến cầu nguyện sám hối.
Chùa nằm dưới những hàng cây rợp bóng, không khí uy nghiêm thoát tục. Từ cổng vào dẫn lên bậc tam cấp, tôi đi dọc các hành lang mát rượi và yên tĩnh. Thoạt nhìn, chùa có kiến trúc không khác mấy so với vô vàn ngôi chùa khác, với mái vòm cong vút, tượng phật uy nghi.
Khóc thương những hài nhi bị ruồng bỏ
Bước qua cổng chùa là một thế giới tĩnh mịch, thanh thản, đối lập hoàn toàn với cảnh xô bồ, chen chúc bên ngoài.
Ấn tượng của tôi không nằm ở tòa chánh điện lung linh ánh phật mà ở khu nhà bên cạnh. Nơi có tượng của nhiều hài nhi quây quần, vui cười chạy nhảy dưới chân bên một vị phật. Dưới chân chúng là sữa, bánh kẹo, trái cây… chắc là của phật tử cúng nguyện.
Chỉ có vài bà cụ chấp tác lặng lẽ quét dọn, cùng với mấy chú tiểu đi lại nhẹ nhàng – dường như họ sợ khuấy động bầu không khí yên ắng thiêng liêng nơi đây. Hoặc cũng có thể họ không muốn làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của hàng ngàn linh hồn bé bỏng đang được thờ phượng tại chùa này.
Ngôi chùa quy tụ hơn 40 nghìn linh hồn hài nhi bị ruồng bỏ
Theo tìm hiểu, chùa Từ Quang không có lịch sử lâu đời hàng ngàn năm như chùa Ngọc Hoàng hay chùa Yên Tử, Vĩnh Nghiêm. Ngôi chùa được xây dựng vào năm 1959 bởi một cặp vợ chồng có tấm lòng quy Phật, hướng thiện mà hiện nay vẫn chưa rõ danh tính.
Trong thời kì kháng chiến chống Mỹ, ngôi chùa là nơi đóng vai trò quan trọng trong hệ thống liên lạc của quân giải phóng. Chính quyền cũ đã san phẳng ngôi chùa nhằm trấn áp phong trào Cách Mạng. Mãi đến sau này, ngôi chùa mới được xây dựng lại.
Điểm khác biệt của chùa Từ Quang không phải nằm tại gian chánh điện, nơi thờ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Bên cạnh chánh điện, Phật tử bước vào một không gian độc đáo, vừa trang nghiêm, vừa có phần bi ai.
Chính giữa gian điện thờ là bức tượng Địa Tạng Bồ Tát, một tay cầm tích trượng để mở cửa địa ngục, một tay cầm ngọc như ý nhằm xua tan bóng đêm. Vây quanh bức tượng Bồ Tát, hàng chục tượng trẻ em với đủ tư thế, gương mặt, biểu cảm. Có bé nhảy nhót vui vẻ, có bé sầu não than khóc. Đồ cúng tại điện thờ này cũng rất khác lạ, thay vì hương hoa như thông thường, tại đây lại toàn sữa, kẹo, đồ chơi… dành cho trẻ nhỏ.
Phật tử Hỷ An, người trông nom hoạt động tại chùa Từ Quang, cho hay: “Từ năm 2008, nhà chùa bắt đầu phát tâm để quy tụ các sinh linh bị bỏ rơi. Sư trụ trì chứng kiến quá nhiều hoàn cảnh éo le, nhiều nỗi phiền não của các cặp đôi phải rứt ruột bỏ con, nên đã quy vong linh các bé về đây.
Chùa cho gửi cái phần hồn thôi, chứ không gửi phần xác. Sau khi xử lý trong bệnh viện, người ta ghi tên tuổi rồi đưa vào đây. Ở chùa, không thống kê được gửi bao nhiêu sinh linh, khoảng 40 ngàn trong sổ sách.
Mình có cái sổ lưu, khi người ta đưa sinh linh đến thì cấp cho người ta một cái số, đặng sau này còn cầu siêu cho bé. Nhưng có người ghi, có người không muốn ghi. Vì những lý do này nọ, cũng có người muốn giấu”.
Hàng ngày, bên cạnh những người đến chùa giúp việc, rất đông bạn trẻ ra vào nơi cửa Phật. Hầu hết, họ đến để “gặp gỡ” đứa con mà họ đã gửi tại đây, đồng thời, mang cho bé ít đồ ăn, đồ chơi. Đôi khi, họ nán lại, quỳ trước ban thờ Địa Tạng để sám hối, đọc kinh cho vong linh đứa bé tội nghiệp được siêu thoát. Theo chia sẻ của một cô gái thường xuyên đến chùa Từ Quang, khách lạ mới đến có thể ngạc nhiên, nhưng những người ở trong và xung quanh chùa đều như nghe được tiếng những đứa trẻ gọi nhau í ới, leo trèo cười đùa trên những tán cây quanh chùa, đôi khi còn trêu đùa, chọc ghẹo khách thập phương.
Những câu chuyện tâm linh kỳ lạ
Hàng năm, nhằm ngày rằm Trung Thu, chùa Từ Quang lại tổ chức cầu siêu cho các thai nhi bị chối bỏ. Đó là ngày những người đã từ bỏ thai nhi từ khắp nơi trên cả nước về chùa Từ Quang sám hối, đồng thời, cầu cho linh hồn đứa bé được siêu thoát. Mỗi đợt cầu siêu, có đến hàng ngàn người nêm chặt sân chùa, nhiều người trong số đó bị vong hồn bọn trẻ nhập vào, người chạy nhảy tung tăng, người khóc đòi quà như con nít.
Phật tử Hỷ An cho hay: Đại đức Thích Giác Thiện (cố Trụ trì chùa Từ Quang) giải thích rằng, ngày rằm Trung Thu là tết truyền thống của những em bé thơ ngây. Nhà chùa tổ chức đại lễ cầu siêu cũng coi như là dịp kỷ niệm ngày giỗ cho các bé vô thừa nhận. Lễ tổ chức từ năm 2009 và duy trì đều đặn đến nay.
Ngoài con số lưu trong cuốn sổ của chùa, vào ngày lễ cầu siêu, những hài nhi xấu số sẽ được đặt tên. Sau đó, tên của các bé sẽ được ghi vào bài vị, thờ phượng trong điện Địa Tạng. Thoáng đọc qua các bài vị đó, dễ dàng thấy hầu hết đều là những cái tên nghe nhói lòng: Vô Danh, Vô Phước, Rơi, Rớt, Bỏ, Lầm… Một số người đến chùa Từ Quang khắc những cái tên của đứa con đã bị bỏ đi lên các thân thân cây. Người ta kể lại, trên những cái cây ấy lúc nào cũng nghe tiếng khóc ai oán.
Theo những người trong chùa, những sinh linh bé bỏng bị bỏ rơi đều muốn tụ tập về chùa Từ Quang nhằm được “vui vầy” với đồng bạn, và được sớm siêu thoát. Các bà chấp tác tại chùa Từ Quang kể câu chuyện của Phật tử sau đây: Bà Nhung, ngụ gần chùa, gửi vong linh của đứa cháu tên là Ngọc.
Mẹ của Ngọc làm công nhân ở khu công nghiệp gần đó. Cô có thai sau mối tình vụng trộm rồi lén đi phá, bà biết thì đã quá trễ. Phá bỏ cái thai xong, con gái bà Nhung trở nên lầm lũi, ít nói. Người nhà tưởng cô bị bệnh nên chạy chữa khắp nơi nhưng không thuyên giảm.
Cô gái cứ dở khóc dở cười, cả ngày không nói không rằng, thỉnh thoảng lại đập phá đồ đạc. Công ty thấy vậy, cho cô ta nghỉ việc. Mất việc ở nhà, bệnh tình của cô gái trở nặng hơn. Cô chạy nhảy suốt ngày, ban đêm khóc ré lên như con nít. Bà Nhung đoán rằng con gái mình bị vong hồn quở trách nên thắp nhang khấn nguyện ngày này qua ngày khác.
Một đêm, bà Nhung nằm mơ thấy một đứa con nít chạy qua khóc lên thảm thiết nói rằng: “Mẹ ơi sao nỡ giết con! Con bây giờ vất vưởng, không nơi nương náu đau khổ lắm”. Bà choàng tỉnh, ngay hôm sau đưa con gái vào chùa Từ Quang cùng sám hối.
Bà Nhung đặt tên bé là “Vô Danh” rồi khấn nguyện xin vong hồn cháu về chùa Từ Quang tá túc. Tối đó bà nằm mơ cũng thấy đứa trẻ ấy cười tíu tít nói rằng đã được ăn ngon mặc đẹp, được vui đùa cùng bạn bè. Nhưng đứa trẻ chợt khóc nói rằng không thích cái tên bà đặt. Đó là lý do bà Nhung đổi tên bé là Ngọc.
Bà cho biết thêm: “Con gái bà Nhung sau đợt ấy không còn điên điên loạn loạn nữa. Chắc là tâm của nó an tịnh rồi. Từ đó về sau, hai mẹ con bà Nhung thường đến chùa để sám hối”.
Sự nhiệm màu có duyên khi cầu con
Một điều khác đặc biệt xảy ra gần đây tại chùa Từ Quang: Bên cạnh rất nhiều người bỏ rơi các thai nhi bé bỏng và đưa “vong” vào chùa tá túc, lại có không ít người tới chùa cầu khẩn nhằm đón rước các bé về gia đình làm con cái mình. Họ thường là các cặp đôi hiếm muộn, lấy nhau đã lâu mà không có con. Chuyện kể là chị M. (công chức tại huyện Bình Chánh), khi đi xe gắn máy ngang qua chùa Từ Quang, bỗng nghe tiếng trẻ con gọi với theo.
Như linh tính mách bảo, chị M. dừng xe, đi vào chùa lễ Phật. Đang chất chứa tâm sự vì lấy chồng đã lâu mà chưa có được mụn con, chị thành tâm xin Tam Bảo được rước một bé về làm con. Không biết có phải mong muốn của chị được ứng nghiệm hay không mà sau đó, chị M. đậu thai và sinh hạ hai bé đẹp đẽ, khỏe mạnh.
Trở lại câu chuyện các bà mẹ lỡ làng gửi vong linh con tại chùa Từ Quang, Phật tử Hỷ An cho biết: “Tôi thường xuyên nhận được điện thoại của các bạn trẻ hỏi làm sao để cứu rỗi tinh thần khi mà mình đã bỏ con, làm thế nào để hết tội. Tôi trả lời làm thế nào là do chính các bạn. Đáng nhẽ, các bạn phải phòng tránh ngay từ đầu. Còn, hỏi là liệu vong linh các bé có giận không? Tôi nghĩ là các bé có giận.
Ví dụ, đứa con của mình đẻ ra, mình đánh nó, thì nó đã giận mình rồi. Mình bỏ không nuôi nó, nó càng giận mình hơn. Đằng này, mình lại không cho nó quyền ra đời – chắc chắn nó phải giận lắm. Tôi chỉ khuyên các bạn, làm ơn tự kiểm soát, đừng gây thêm nghiệp nữa”.
Sám hối không bao giờ muộn
Từ trước đến nay, đã có hàng chục ngàn người đến chùa Từ Quang sám hối. Tức là đã có hơn ngần ấy sinh linh nhỏ bé không có cơ hội cất tiếng khóc chào đời. Và có lẽ có gấp nhiều lần con số ấy sinh linh đang vất vưởng vô định ở khắp nơi.
Chợt xót xa nghĩ đến lời trụ trì Thích Giác Thiện rằng: “Đạo lý không cho phép chúng ta giết người. Vậy mà có những người vô tình hay cố ý lại ra tay giết người không thương tiếc.
Người bị giết ở đây chính là những em bé chưa bao giờ nhìn thấy ánh sáng của cuộc đời, hoàn toàn vô tội. Có ai đã từng đọc nhật ký của một em bé sắp chào đời chưa? Sẽ đau đớn như thế nào nếu nó ghi rằng: Mẹ giết mình! ”.
Tôi lại nhớ hình ảnh những đứa trẻ vui đùa dưới chân phật bên trong điện thờ mà thấy lòng nặng trĩu. Có thể những lời sám hối hôm nay đã giúp chúng siêu thoát. Nhưng chúng đã có thể hiển hiện thật sự bằng xương bằng thịt nếu như không bị người sống đang tâm phá bỏ.
Những lời sám hối thành tâm sẽ không bao giờ muộn. “Phàm làm việc gì, hãy nghĩ đến hậu quả của nó”, phật pháp chẳng đã răn dạy con người chúng ta như vậy đó sao!