Tết Thanh Minh là một ngày lễ Tết thể hiện “Đạo lý uống nước nhớ nguồn”, lòng thành kính đối với tổ tiên của người dân Việt Nam. Mang đậm nét thiêng liêng phong tục truyền thống in sâu trong mỗi người dân Việt Nam vào ngày này những người con xa quê đều sắp xếp về tảo mộ tổ tiên mình.
Tết Thanh minh 2022 vào ngày nào?
Một năm được chia ra làm 24 tiết khí. Trong đó, Thanh minh là tiết khí thứ 5, đến sau ngày Lập xuân 60 ngày, sau ngày Đông chí 105 ngày. Tết Thanh minh chính là ngày đầu tiết của tiết khí này.
Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du có câu thơ “Thanh minh trong tiết tháng Ba / Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh…” để chỉ thời gian Tết Thanh minh vào tháng 3 âm lịch.
Theo Lịch vạn niên, tiết Thanh Minh năm 2022 sẽ có chu kỳ bắt đầu từ thứ Ba, ngày 5/4/2022 (tức ngày 5/3 âm lịch năm Nhâm Dần); kết thúc vào thứ Ba, ngày 19/4/2022 (19/3 âm lịch năm Nhâm Dần).
Tiết Thanh minh là lúc khí trời trong sáng, thanh khiết, bầu trời quang đãng, sáng sủa. (“thanh” là khí trong, còn “minh” là sáng sủa).
Tết Thanh minh 2022 nên làm gì?
Công việc chính trong Tết Thanh Minh là tảo mộ, tu chỉnh lại mộ phần tổ tiên. Khi đi tảo mộ, các gia đình mang theo xẻng, cuốc để đắp lại nấm mồ cho đầy đặn, rẫy hết cỏ dại và những cây hoang mọc trùm lên mộ cũng như tránh không để cho các loài rắn, chuột đào hang, làm tổ.
Sau khi đã sửa sang sạch sẽ, các gia đình thắp hương khấn vái, có thể dâng hoa quả và các lễ vật khác, thành tâm hướng đến tổ tiên, nguồn cội.
Khi đi tảo mộ, các gia đình cần lưu ý những điều sau:
– Nên chọn hoa cúc màu vàng hoặc trắng. Nếu người đã mất là bạn bè hoặc ít tuổi hơn thì có thể chọn loại hoa lúc sinh thời người đó thích là được, chỉ cần thành tâm và không quá câu nệ hình thức.
– Khi đi tảo mộ, con cháu trong nhà nên tự mang các vật phẩm dâng lễ, không nên nhờ người khác dòng họ, hàng xóm hay người giúp việc, để thể hiện lòng thành kính với gia tiên.
– Trong gia tộc phân công rõ các cụ phụ lão đi trước mang vàng hương, thanh niên đi sau đội mâm lễ. Thứ tự người già, trước rồi trưởng nam, trưởng nữ, con cháu ruột nội ngoại, sau cùng mới đến dâu rể.
– Tới nơi mộ phần, các cụ già và người lớn phụ trách khấn vái tổ tiên nơi phần mộ. Trẻ em cũng được theo cha mẹ hay ông bà đi tảo mộ. Mục đích là để biết dần những ngôi mộ của gia tiên và để tập cho con cháu sự kính trọng tổ tiên qua tục viếng mộ.
– Sau phần tảo mộ là việc dọn dẹp nhà cửa, bàn thờ, nơi thờ cúng. Đây là một trong những việc làm quan trọng thể hiện sự quan tâm chăm sóc và tiếp đón của con cháu đối với ông bà, tổ tiên những người đã khuất.
Khi đi tảo mộ những ngày này, không quan trọng những lễ vật với mâm cao cỗ đầy mà chủ yếu là tấm lòng thành của con cháu với ông bà, tổ tiên. Hơn nữa, những người đi tảo mộ cần lưu ý: Không giẫm đạp lên mộ nhà và các mộ xung quanh, làm xáo trộn phần mộ; không được nói tục, chửi bậy, chụp ảnh; sửa sang, dọn dẹp 4 mặt phần mộ, tránh việc chỉ dọn dẹp mặt trước; con gái khi đến tháng hoặc phụ nữ có thai được khuyên không nên đi tảo mộ,… Mọi việc làm sửa sang, dọn dẹp, thắp hương cho các nấm mồ đều phải xuất phát từ cái tâm, lòng thành kính của người sống với những người đã khuất.
Tảo mộ ngày Tết là một trong những phong tục tốt đẹp của dân tộc ta, nó nhắc nhở con người về tấm lòng hiếu thảo, sự biết ơn đối với ông bà, tổ tiên. Đây cũng là cơ hội để những người còn sống thể hiện tấm lòng với người đã khuất.